Cuối tháng 9,ôsinhởquýôngtrẻanna gau33 anh Minh (38 tuổi) cùng vợ đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCMC) khám sau ba năm tái hôn chưa có con. Anh từng có con gái 8 tuổi với vợ cũ.
Kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ cho thấy tinh trùng yếu, mật độ thấp, di động kém. Ở nam giới bình thường, mỗi lần xuất tinh khoảng 1,5-5 ml tinh dịch, chứa trung bình 30-40 triệu tinh trùng, nhưng mẫu của anh Minh chỉ khoảng 1 ml, chứa 1-2 tinh binh, bất động. Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng ghi nhận 80% bị tổn thương cấu trúc, phá vỡ thành các mảnh nhỏ.
Bác sĩ Ngô Đình Triệu Vỹ cho biết anh Minh có tiền căn viêm đường tiết niệu và thói quen hút thuốc lá nhiều năm, làm việc trong môi trường hóa chất công nghiệp. Những yếu tố này khiến chất lượng tinh trùng kém đi, là nguyên nhân khiến vợ chồng khó có con tự nhiên.
Tương tự, anh Hưng (32 tuổi) mắc bệnh quai bị từ 10 năm trước khiến tinh hoàn sưng to, viêm đau. Khỏi bệnh, hai bên bộ phận này dần teo nhỏ. Cuối năm 2022, anh Hưng cùng vợ sắp cưới đi khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, bác sĩ cho biết kích thước tinh hoàn chỉ như hạt lạc, xét nghiệm tinh dịch đồ ghi nhận không có tinh trùng. Bác sĩ khuyên xin tinh trùng làm thụ tinh ống nghiệm nhưng anh từ chối, nuôi hy vọng có con của chính mình.
Theo ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng đơn vị Nam học, tinh trùng bắt đầu được sản xuất tại các ống sinh tinh trong tinh hoàn khi nam giới bước vào tuổi dậy thì, thường khoảng 10-12 tuổi. Khả năng di chuyển của tinh trùng tốt nhất trước 25 tuổi, đạt đỉnh ở 30-35 tuổi.
Khả năng sinh tinh của người đàn ông suy giảm theo tuổi, tương tự buồng trứng của phụ nữ. Từ 55 tuổi trở đi, tinh trùng lão hóa (suy giảm khả năng vận động, hình thái và nồng độ) kéo theo khả năng sinh sản giảm.
Trước đây khi một cặp vợ chồng vô sinh, nguyên nhân thường được cho là đến từ người vợ. Các nghiên cứu cũng thường tập trung vào tác động của lão hóa đến khả năng sinh sản của phụ nữ mà bỏ quên góc độ này ở nam giới. Những năm gần đây sức khỏe sinh sản của nam giới bắt đầu được quan tâm nhiều hơn, nhiều người chủ động thăm khám. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong các trường hợp vô sinh, nguyên nhân đến từ người chồng chiếm 40%, tương đương với người vợ. IVF Tâm Anh TP HCM ghi nhận gần 50% nam giới đến điều trị vô sinh ở độ tuổi dưới 30, một số trường hợp điều trị ở tuổi đôi mươi.
Một nghiên cứu tại Chile, với dữ liệu phân tích tinh dịch của 2.678 nam giới, cho thấy bất thường của tinh trùng tăng theo độ tuổi. So với nhóm 21-30 tuổi, nam giới trên 31 tuổi có khả năng vận động của tinh trùng giảm, nhóm trên 41 tuổi cũng có nồng độ tinh trùng thấp hơn. Nhóm trên 50 tuổi có nhiều bất thường về lượng tinh dịch, nồng độ tinh trùng và sự phân mảnh DNA của tinh trùng. Cùng lượng tinh dịch không đổi, mỗi năm nồng độ tinh trùng giảm 1,03 lần so với năm trước, nguy cơ xuất hiện rối loạn vận động của tinh trùng tăng 1,06 lần.
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo số lượng và chất lượng tinh trùng của nam giới đang suy giảm ở mức báo động. Ước tính cứ 20 nam giới có một người phải đối mặt với tình trạng giảm khả năng sinh sản. Nguyên nhân chính là việc tiếp xúc với các hóa chất gây rối loạn nội tiết trong môi trường, tỷ lệ béo phì gia tăng và xu hướng kết hôn sinh con muộn.
Các bệnh lý như giãn tĩnh mạch thừng tinh, quai bị, bệnh tình dục, ung thư ở hệ thống cơ quan sinh sản; tai nạn chấn thương vùng kín trong hoạt động thể thao hoặc nghề nghiệp, chế độ ăn uống nhiều chất béo, ít vận động, căng thẳng tâm lý, thói quen hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích, bức xạ từ máy tính xách tay và điện thoại di động, áp lực môi trường và nghề nghiệp... tác động tiêu cực đến khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới ngay khi còn ở độ tuổi trẻ.
Theo bác sĩ Vỹ, để điều trị vô sinh nam, nhiều kỹ thuật cao cấp đã được phát triển như vi phẫu tìm tinh trùng micro-TESE, hút tinh trùng từ mào tinh (MESA)... Kỹ thuật trữ tinh trùng theo mẫu và trữ số lượng ít giúp nam giới kịp thời bảo tồn khả năng sinh sản. Các kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI), hỗ trợ phôi thoát màng... giúp tối đa hóa tỷ lệ thành công, nam giới có con của chính mình.
Như anh Hưng được chỉ định mổ micro-TESE. Các bác sĩ sử dụng kính vi phẫu có độ phóng đại 20-30 lần để tìm tinh trùng trong các ống sinh tinh còn sót lại của bệnh nhân. Kích thước tinh hoàn siêu nhỏ khiến cuộc mổ khó khăn và kéo dài hơn bình thường. Sau 5 tiếng, bác sĩ tìm được 5 tinh binh sót lại, đem trữ đông. Kết hôn xong, vợ chồng anh Hưng trở lại thực hiện thụ tinh ống nghiệm và đón con gái 3,2 kg chào đời vào giữa tháng 9.
Anh Minh may mắn hơn vì vẫn còn ít tinh trùng trong mẫu xuất tinh. Bác sĩ Vỹ chỉ định gom tinh trùng từ nhiều mẫu xuất tinh. Mỗi mẫu tinh dịch, chuyên gia phòng lab lọc rửa thu được 1-2 tinh trùng khỏe mạnh đủ điều kiện, đem trữ đông. Qua 7 lần gom, anh Minh thu được 8 tinh trùng để thụ thai và có con của chính mình.
Bác sĩ Khoa khuyến cáo để cải thiện sức khỏe tổng thể và sinh lý, nam giới nên tăng cường vận động, giảm tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, hạn chế bia rượu, tránh các chất kích thích và căng thẳng tâm lý... Nam giới dù đã kết hôn hay chưa, hoặc có tiền sử liên quan tới sức khỏe sinh sản như mắc bệnh quai bị, chấn thương bìu, nhiễm bệnh lây qua đường tình dục... nên tầm soát sức khỏe sinh sản định kỳ, kịp thời phát hiện bất thường để điều trị dự phòng sớm.
Vợ chồng sau kết hôn một năm, quan hệ tình dục đều đặn (2-3 lần mỗi tuần) không sử dụng biện pháp tránh thai mà chưa có con nên đi khám sức khỏe sinh sản và điều trị càng sớm càng tốt.
Hoài Thương