TheýTửThấtđượckhenhiếmcókhótìcloudconverto trang Shanghai Morning Post, từ khi Tử Thất tiết lộ tái xuất lĩnh vực video ngắn hồi cuối tháng 9, nhiều fan cho biết chờ đợi các tác phẩm mới của cô. Giới phân tích thị trường đặt câu hỏi: "Ở ẩn hai năm, Lý Tử Thất còn được chào đón không?".
Trong thăm dò ý kiến do tờ Cajingthực hiện, 150.000 người trả lời "có, vì Lý Tử Thất độc nhất vô nhị". Còn 9.000 người cho rằng "khó, vì video của nhiều người mới cũng hay".
Trong hai năm vắng bóng, Lý Tử Thất mất hơn 8,3 triệu fan trên các nền tảng ở Trung Quốc, như Douyin, Weibo, Kuaishou. Nhưng trên YouTube, lượng fan của cô từ 15 triệu tăng lên 17,7 triệu. Người đẹp vẫn giữ khoảng 100 triệu fan trên các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc nhận xét Lý Tử Thất "hiếm có khó tìm", thành công của cô ở mảng video ngắn về đồng quê cũng khó có người lặp lại được. Hai năm qua, hàng trăm người thực hiện video chủ đề cuộc sống nông thôn song phần đông bị cho "bắt chước Lý Tử Thất".
Tử Thất được đánh giá thành công nhờ các sản phẩm chất lượng cao, đòi hỏi sự dày công thực hiện. Chẳng hạn, những video về vòng đời của cây, cô mất từ nửa năm tới một năm chờ đợi từng giai đoạn phát triển của cây mới thực hiện được. Với phim ngắn Mì bò Lan Châu, người đẹp dành ba tháng tìm hiểu cách làm, đi nhiều nơi học hỏi các nghệ nhân nấu ăn để thực hiện. Sự khác biệt của Lý Tử Thất nằm ở tính kiên trì, bền bỉ. Cô bằng lòng bỏ cả năm để có một phút về sự biến đổi của tự nhiên trong video.
Một số blogger nổi lên nhờ video đồng quê, sau đó chuyển sang livestream bán hàng - lĩnh vực "hái ra tiền" - trên các trang thương mại điện tử. Theo Caijing, Lý Tử Thất từ chối livestream bán hàng trên Taobao và Douyin. Cô ý thức được việc duy trì phong cách riêng. Trong những thước phim của mình, Lý Tử Thất hiếm khi cất lời trong các video, phong cách đó không phù hợp việc rao bán hàng, trình bày sản phẩm, kêu gọi người mua lúc livestream.
Trên Weibo, blogger Tang Zhe thu hút hơn 25.000 like khi nhận xét Lý Tử Thất "quảng bá văn hóa Trung Quốc hay hơn bất kỳ êkíp truyền thông nào". Theo ông, video của cô mang ý nghĩa tươi sáng, tích cực và đậm chất thơ, khác biệt hình ảnh Trung Quốc trong phim Trương Nghệ Mưu, Giả Chương Kha hay trong tiểu thuyết của Mạc Ngôn.
Lý Tử Thất ngừng đăng video đồng quê hai năm qua do vướng kiện tụng với Weinian, do Lưu Đồng Minh sáng lập. Trước đây, cô sáng tạo nội dung còn Weinian bán sản phẩm thương hiệu Lý Tử Thất. Cho rằng Weinian vi phạm hợp đồng, cô kiện Lưu Đồng Minh để làm chủ thương hiệu. Theo tờ Guancha, Tử Thất thà ngừng cập nhật video, mất một lượng fan chứ không dùng tài khoản khác để duy trì độ hot. Điều này có lợi cho danh tiếng của Lý Tử Thất hơn. Cô sẽ không vướng các dị nghị như "sợ mất vị trí", "hám tiền".
Sự im lặng của Lý Tử Thất còn ngầm báo với khán giả rằng cô không để tâm tới lợi ích ngắn trước mắt mà thực sự muốn bảo vệ thương hiệu mình nghĩ ra, để thương hiệu đi đúng hướng cô mong muốn. Trên Xinhua năm ngoái, người đẹp nói: "Tôi muốn bảo vệ ba chữ Lý Tử Thất, không muốn nó bị thương mại hóa quá đà".
Người đẹp hiện không còn liên quan đến Weinian. Cô nắm 99% cổ phần ở công ty Văn hóa truyền thông Tử Thất Tứ Xuyên đồng thời là đại diện pháp nhân, CEO.
Tử Thất cho biết không có quá nhiều nhu cầu vật chất. Khoản chi lớn nhất của cô là khu rừng trúc 200 mẫu đất, giá thầu một năm khoảng 60.000 nhân dân tệ (213 triệu đồng). Cô mặc đồ tự may, quần áo mua cũng là đồ bình dân, giá trên dưới 100 tệ (346 nghìn đồng). Hai năm qua, dù không cập nhật nội dung, người đẹp học hỏi các kiến thức, kỹ năng trồng trọt, nấu ăn, văn hóa phi vật thể... để tiếp tục sáng tạo sau này.
Nghinh Xuân