Chặt chém,ảnlýyếukémkhiếnđảongọcthànhđảongượngười chơi không thể thăng cấp chụp giựt "đè" giảm giá, khuyến mãi
Trước "cú sốc" vắng khách giai đoạn cận lễ 30.4 - 1.5, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, du lịch tại TP.Phú Quốc (Kiên Giang) đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình kích cầu để thu hút khách đến đảo ngọc như giữ nguyên giá dịch vụ, không tính phí phụ thu dịp lễ. Thậm chí, nhiều đơn vị còn chấp nhận giảm giá dịch vụ đúng mùa cao điểm - điều gần như chưa từng xảy ra tại điểm đến du lịch nào.
Đơn cử, Kim Hoa Resort Phú Quốc còn trống 55 - 60% công suất phòng đã quyết bỏ phụ thu phí dịch vụ dù giá nguyên liệu đầu vào tăng, lương nhân viên gấp ba ngày thường. Giá một đêm chưa đến 1 triệu đồng/phòng, trong khi giá cùng kỳ năm ngoái gần 1,5 triệu đồng. Nhiều quản lý khách sạn, resort lớn tại Phú Quốc như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, Sea Sense Resort & Spa Phu Quoc, Best Western Premier Sonasea Villas Phu Quoc… cũng thông báo với các đối tác không phụ thu phí dịch vụ. Điểm đến "hot trend" một thời Sunset Sanato Resort and Villas Phú Quốc cũng giảm giá phòng lên đến 15%; ngoài ra có combo lưu trú, ăn uống tại nhà hàng tiết kiệm đến 20%, các dịch vụ spa giảm 10% cho khách lưu trú và không tính phí phụ thu trong những ngày lễ.
Chung sức kích cầu, các hãng hàng không cũng hỗ trợ điều tiết giảm nhẹ giá vé máy bay tới đảo ngọc trong 3 tháng cao điểm hè. Bên cạnh đó, một số khu du lịch, khách sạn tổ chức rất nhiều chương trình truyền thông, quảng bá điểm đến quy mô lớn, hỗ trợ TP biển đảo ghi dấu ấn hình ảnh "thiên đường nghỉ dưỡng" trong lòng du khách quốc tế. Thế nhưng, mọi nỗ lực gần như không có hiệu quả. Lượng khách đến Phú Quốc từ mùa lễ 30.4 - 1.5 kéo tới lễ 2.9 vẫn sụt giảm thảm hại.
"Nếu đặt combo khách sạn hoặc ở trong những khu resort thì chất lượng đã đạt chuẩn rồi, không có gì bàn. Với những người thật sự có nhu cầu nghỉ dưỡng thì vé máy bay cao hơn 1 - 2 triệu cũng không thành vấn đề. Song, các dịch vụ khác bên ngoài thì rất chộp giật", chị Thùy Phương (Hà Nội) nói.
Chị Phương kể: Gia đình ăn trưa tại một quán đồ Việt, gọi cơm tấm và bún bò nhưng giá trên thực đơn để một đằng, khi thanh toán lại ra hóa đơn một nẻo, thắc mắc thì nhân viên quán bảo "mới tăng giá nhưng chưa kịp cập nhật vào menu". Cả nhà cùng thuê xe máy điện 1 tiếng, nhưng người phải trả 60.000 đồng, người thì mặc cả được nên chỉ còn có 40.000 đồng. Đến tối, gọi taxi ra thị trấn chơi, chị Phương nói rõ từ đầu là đi Gành Dầu, nhưng tài xế lại đưa đến một điểm vui chơi khác rồi bảo "em có người quen ở đây, dẫn anh chị đi chơi và mua sắm trong đây cho tiện".
"Vài chục ngàn đồng không đáng là bao, nhưng mình ghét nhất cái kiểu nói thách lươn khươn đấy. Đi du lịch lo chơi không xong còn lo mặc cả. Nói thật, mình ở Hà Nội, chắc trước giờ ai cũng có định kiến là du lịch ngoài này hay nói thách chặt chém. Ừ thì cũng đúng, quá khứ từng thế nhưng giờ cũng bớt rồi. Vậy nên mới vào trong này chơi. Mấy lần trước đi Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn… đều ổn, không thấy kiểu chộp giật này. Giờ Phú Quốc đúng là quá loạn. Vốn dĩ giá cả ở đảo đã đắt đỏ hơn, còn gặp đội nói thách nữa, rất không hài lòng", chị Phương thẳng thắn chia sẻ.
Mấu chốt là công tác quản lý và ý thức người dân
Thực tế, Nha Trang, Đà Nẵng mà chị Thùy Phương vừa dẫn chứng, trước đây cũng từng trải qua giai đoạn vô cùng "xấu xí" vì chất lượng dịch vụ. Những năm trước 2010, Nha Trang từng là nỗi ám ảnh của du khách vì vấn nạn ăn xin. Trung bình mỗi năm TP này gom khoảng 200 - 250 người lang thang, xin ăn vào các cơ sở bảo trợ xã hội, đưa về địa phương. Nhưng không những không giải quyết dứt điểm, nạn ăn xin còn biến tướng khi nhiều người giả làm bán hàng rong, hát dạo, bịa câu chuyện hoàn cảnh thương tâm... để chèo kéo du khách.
Sau đó, để lấy lại hình ảnh TP biển điểm đến hút khách quốc tế, lãnh đạo UBND TP.Nha Trang đã lập hẳn đề án giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn với giải pháp quan trọng là xây dựng đội chuyên trách làm việc 24/24, có phương tiện riêng để gom người xin ăn. Bên cạnh đó, đội còn thực hiện tuyên truyền để mọi người dân thay đổi hành vi, nói không với việc cho tiền những người ăn xin, còn làm việc thiện thì gửi tiền, hiện vật cho tổ chức hay cơ sở bảo trợ xã hội. Từng cơ sở, địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, nơi kinh doanh dịch vụ… đều được tuyên truyền để có biện pháp không để người lang thang, xin ăn vào chèo kéo, xin xỏ, gây phiền toái cho người dân, du khách. TP cũng kiên quyết xử nghiêm việc giả danh để xin ăn, đối tượng chăn dắt người ăn xin.
Đặc biệt, người dân phát hiện, thông báo đúng đối tượng xin ăn, sống vô gia cư, giúp cơ quan chức năng tập trung những đối tượng đó về chăm sóc, quản lý theo đúng quy định còn được thưởng tiền. Quyết liệt và bền bỉ, đến nay, nạn ăn xin của Nha Trang đã giảm được tới khoảng 70%. Lãnh đạo TP đang đặt mục tiêu đến 2025 sẽ không có người lang thang, xin ăn trên địa bàn TP.
Tương tự, từ năm 2012 đến nay, TP Đà Nẵng đã liên tục triển khai nhiều chiến dịch, từ mỗi UBND quận, huyện thành lập "Đội trật tự du lịch" tới các đợt ra quân, quyết dẹp nạn móc túi, trộm cắp, cướp giật tài sản của du khách tại một số điểm du lịch trên địa bàn TP.
Từ bài học các TP du lịch lớn, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), phân tích: Phú Quốc sở hữu rất nhiều lợi thế so với các điểm đến khác. Xét về quy hoạch, từ 2013, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Khu kinh tế Phú Quốc, với nội hàm là xây dựng đảo này thành trung tâm du lịch và giao thương đặc biệt. Đây là 2 vai trò chính mà nếu không có chiến lược cụ thể, bài bản sẽ dẫn tới phát triển lệch trọng tâm. Các kết nối giao thông từ đường biển đến hàng không, cùng việc kéo đường dây điện ra đảo đã thể hiện rõ sự quan tâm, chú trọng phát triển Phú Quốc từ phía Chính phủ. Tuy nhiên, khi Phú Quốc chuẩn bị được nâng lên thành khu hành chính kinh tế đặc biệt cùng Vân Đồn, Vân Phong, nhiều thông tin đã làm xáo động thị trường bất động sản, kéo nhiều doanh nghiệp tới xúc tiến đầu tư. Song, việc đầu tư không được quản lý khoa học, dẫn đến manh mún, mặt biển bị chia cắt, ảnh hưởng nặng nề tới môi trường cũng như nhu cầu cảnh quan của người dân.
Qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thấy Phú Quốc là địa bàn không lớn nhưng tình trạng an ninh trật tự đang diễn ra rất nghiêm trọng. Nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, nổi cộm diễn ra liên miên khiến du khách lo ngại không dám tới. "Phụ họa" theo là tình trạng chặt chém, lợi dụng du khách, móc nối giữa các cấu phần du lịch để ăn chia hoa hồng, làm ăn chộp giật. Vốn được xây dựng hình ảnh là thiên đường nghỉ dưỡng nên du khách kỳ vọng càng nhiều thì thất vọng càng lớn. Những khu resort, khu vui chơi giải trí đẳng cấp, hiện đại được kỳ vọng là sản phẩm "đinh", nhưng trên cả "màn hình rộng" là bức tranh chất lượng dịch vụ hỗn tạp như vậy, chỉ còn là những điểm xuyết xẹt ngang.
"Để dẫn đến hệ quả như ngày hôm nay, chắc chắn liên quan tới công tác quản lý nhà nước, năng lực quản lý của địa phương, từ công tác quy hoạch tới xây dựng, đảm bảo an ninh trật tự, phát triển văn hóa du lịch… yếu kém, còn rất sơ hở. Nếu Đà Nẵng, Sầm Sơn, Nha Trang cần những chiến dịch gây dựng lại hình ảnh thì Phú Quốc cần 1 cuộc cách mạng để xốc lại du lịch, từ văn hóa du lịch, hạ tầng du lịch tới thương mại du lịch. Trong đó, nền tảng đầu tiên là ý thức người dân và tầm nhìn, hành động của lãnh đạo địa phương", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Câu chuyện Phú Quốc "đảo ngọc thành đảo ngược", từ thiên đường du lịch trở thành thiên đường của giao dịch bất động sản, mấu chốt nằm ở công tác quản lý yếu kém, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và chưa xây dựng được văn hóa du lịch.
Ông Lưu Bình Nhưỡng