HÀNG NGÀN HỐ GIỮA ĐƯỜNG
Thời gian gần đây,Đườngnhựabiếnthànhđườngđấđinh hợi tuyến đường liên xã Ea Rốk - Ia R'vê (H.Ea Súp) nối từ Tỉnh lộ 1 đến QL14C dài khoảng 22 km trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường. Trên toàn tuyến, mặt đường chi chít hố to nhỏ, mật độ tập trung nhiều nhất trên địa bàn xã Ia R'vê, khiến việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Điều khiển xe máy chở hai sọt hàng thực phẩm vào bán ở các buôn làng xa, chị Đặng Mùa Diễm rất vất vả khi vượt qua tuyến đường này. Gặp các hố sâu, chị phải chống chân, nhích từng đoạn. "Mấy năm nay đường này xuống cấp, dân chúng tôi khổ lắm. Dài theo con đường có hàng ngàn hố lớn nhỏ, đâu đâu cũng "ổ trâu, ổ voi", đi cẩn thận mà nhiều khi sụp hố, không tránh được. Hằng ngày có nhiều người dân, học sinh đi lại mà đường hư hỏng nặng như vậy khiến bà con rất khổ", chị Diễm than thở.
Bà Nguyễn Thị Loan, ngụ thôn 7, xã Ia R'vê, cho biết vì đường xấu, mùa bắp năm nay nhiều bà con trên địa bàn xã thất thu vì giá cả thấp. "Bình thường, bắp được bán giá từ 5.000 đồng/kg. Nay đường xấu, thương lái không muốn vào do chi phí vận chuyển tăng nên chỉ mua với giá 2.500 đồng/kg. Không chỉ bắp, mà nhiều nông sản khác cũng phải bán giá thấp, việc thuê nhân công cũng rất khó", bà Loan ngán ngẩm.
Cũng theo bà Loan, nhà bà ở gần đường nên thấy bà con đi lại chịu nhiều khổ ải vì đường hư hỏng, nắng thì bụi mù, mưa thì lầy lội, trơn trượt. Vào mùa mưa, dăm bữa vợ chồng bà lại phải ra hỗ trợ các ô tô mắc lầy.
VÁ VÍU TẠM THỜI CHỜ DỰ ÁN
Theo người dân địa phương, trước đây đường liên xã Ea Rốk - Ia R'vê đã được xây dựng mặt đường thảm nhựa. Tuy nhiên, những năm gần đây có hai mỏ đá trên địa bàn xã đưa vào khai thác, nhiều xe chở đá thường xuyên qua lại cùng xe tải trọng lớn chở nông sản khiến đường hư hỏng dần. Giờ đây, tuyến đường nhựa tan nát với chi chít hố lởm chởm đá.
Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Ia R'vê, thừa nhận các xe nông sản, xe chở đá tải trọng lớn là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tuyến đường trên địa bàn xuống cấp, giao thông bất tiện. Việc này khiến nông sản của bà con bị ép giá. Cũng theo ông Lâm, hằng năm chính quyền xã phải vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ chở đất, đá cấp phối về lấp các hố sâu cho người dân đi lại. Tuy nhiên, việc sửa chữa đường chắp vá như vậy chẳng khác gì "muối bỏ biển" vì cứ mưa xuống, đường lại hư.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND H.Ea Súp, cho biết huyện đã khảo sát thực tế và ghi nhận tuyến đường liên xã Ea Rốk - Ia R'vê xuống cấp khiến việc đi lại mất an toàn; việc vận chuyển nông sản, vật tư sản xuất của người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ông Thắng, tuyến đường trên hiện thuộc quyền quản lý của tỉnh. Do đó, huyện chỉ đề xuất, báo cáo và dùng những biện pháp tạm thời để sửa chữa mà không thể làm mới. Hiện mới có dự án của tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp hơn 7 km đoạn đầu ở địa phận xã Ea Rốk; những đoạn còn lại chưa được triển khai.
"Tôi cũng trực tiếp khảo sát đường rồi, có những đoạn bị hư hỏng rất nặng, người dân thực sự rất thiệt thòi vì đường xấu. Đây cũng là tuyến đường quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong lúc chờ vốn đầu tư từ tỉnh, UBND H.Ea Súp sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục tạm để người dân lưu thông; đồng thời chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra, xử lý xe chở quá khổ, quá tải trên địa bàn", ông Thắng thông tin.