Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử: Học sinh giữa những khoảng trống tâm lý mênh mông
CỨ THẤY "NGOAN,ảngtrốngtrongbảovệtâmlýhọbảng tổng sắp huy chương seagame 32 mới nhất HỌC GIỎI" LÀ YÊN TÂM
Tại buổi gặp mặt báo chí sau khi sự việc xảy ra, cô H., giáo viên (GV) chủ nhiệm của em N.T.Y.N (học sinh - HS lớp 10 Trường THPT chuyên ĐH Vinh, Nghệ An, người vừa tìm đến cái chết ngày 15.4, nghi do bị bạo lực tinh thần) cũng đưa ra một số thông tin: N. là HS ngoan, có rất nhiều cố gắng trong học tập. Kết quả học lực học kỳ 1, em N. đạt loại giỏi, hạnh kiểm tốt. Ở lớp, N. chơi thân với một nhóm bạn nhưng từ tháng 11 năm ngoái nhóm này không còn chơi chung với nhau. Cô giáo này tìm hiểu thì được biết các em không còn hợp nhau. Theo cô H., gần đây gia đình N. thường xuyên nhắn tin xin cho em nghỉ học với lý do sức khỏe. Cuối học kỳ 1, N. nhắn tin riêng hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp…
Còn ông Phạm Xuân Chung, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên ĐH Vinh, cho biết giữa học kỳ năm học này, N. có trực tiếp gặp thầy trao đổi đến việc chuyển lớp. Phụ huynh của em thì nói đã lên gặp thầy hiệu trưởng 2 lần để xin chuyển lớp cho con nhưng không được giải quyết...
Khi đọc lại toàn bộ diễn biến của sự việc, sau những "trần tình" của lãnh đạo nhà trường, GV chủ nhiệm và những chia sẻ từ người thân trong gia đình, có thể thấy rất rõ rằng trước khi dẫn tới sự việc đau lòng, nữ sinh đã nhiều lần phát tín hiệu "kêu cứu" bằng việc không dám đến trường, xin chuyển lớp, nhờ mẹ đưa đón để không bị bắt nạt; gia đình cũng nỗ lực giúp sức nhưng dường như nhà trường chưa có ai thực sự ý thức được mức độ nghiêm trọng về các vấn đề tâm lý, về bạo lực tinh thần mà HS của mình đang phải đối mặt.
Thực tế, nhà trường và gia đình thường chỉ hốt hoảng lo lắng khi thấy con em mình bị điểm kém, có biểu hiện "hư hỏng", còn nếu thấy các em vẫn ngoan, vẫn học tập bình thường thì dù con lặng lẽ hay tỏ ra buồn bã thì cũng thường bỏ qua hoặc không coi đó là vấn đề nghiêm trọng.
14% trẻ em trên toàn cầu đang bị rối loạn tâm thần, trầm cảm lo âu, tự tử - đứng hàng thứ tư trong các nguyên nhân tử vong của trẻ em.
Một bà mẹ có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở Q.Ba Đình (Hà Nội), chia sẻ với PV Thanh Niên bà đang phải xin nghỉ việc để ở nhà trông con vì cháu liên tục mất ngủ và kiên quyết không đi học vì "con thấy đi học chẳng có gì vui". Nguyên nhân là vì ở lớp cháu bị cô trách phạt oan, con không phải là người gây ra lỗi nhưng cô giáo vẫn bắt con phải xin lỗi trước lớp. "Điều khiến tôi thấy lo lắng nhất là GV không quan tâm đến diễn biến tâm lý của một đứa trẻ, không làm rõ nguyên nhân của sự việc để đưa ra hướng xử lý công bằng. Cô chỉ đơn giản nghĩ rằng "xin lỗi một câu có mất gì đâu" mà không nghĩ HS của mình có thể rất tổn thương và đau khổ với cái "án oan" đó, không còn tìm thấy niềm vui và niềm tin ở việc đến trường nữa", bà mẹ này nói.
Năm 2022, sau nhiều vụ HS tự tử, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức buổi tọa đàm tìm giải pháp để chăm sóc, quan tâm tới sức khỏe tâm thần của HS. Chia sẻ tại đây, bà Nguyễn Thị Thu Anh, khi đó là Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cho rằng ngày càng nhiều người quan tâm sức khỏe thể chất nhưng chưa quan tâm sức khỏe tâm thần. Bà nêu ví dụ có trường hợp con của một người bạn bà phải đi khám tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ yêu cầu nhập viện điều trị ít nhất 10 ngày thì ông bố tỏ ra không tin và cho rằng con mình "nó giả vờ đấy, nó vẫn ăn mỗi bữa 2 bát cơm, vẫn vào mạng, xem ti vi bình thường…". Do vậy, theo bà Thu Anh, sự hiểu biết và quan tâm về sức khỏe tâm thần của HS và chính GV cần phải được nâng cao. "Chỉ một cử chỉ nhỏ, quan tâm đến những điều nhỏ nhặt cũng có những hiệu ứng tích cực với HS khi các em đang thực sự cần giúp đỡ", bà Thu Anh nói.
NHÀ TRƯỜNG CHỈ COI "ĐÁNH NHAU" MỚI LÀ BẠO LỰC
Trở lại câu chuyện của nữ sinh tại Nghệ An, trong báo cáo gửi Bộ GD-ĐT ngày 18.4, Trường ĐH Vinh dành phần lớn nội dung trong văn bản để khẳng định "đoạn video HS đánh nhau lan truyền trên mạng xã hội cùng thời gian, nữ sinh bị đánh trong clip không phải là N.T.Y.N. Những người tham gia đánh cũng không phải là HS của Trường THPT chuyên ĐH Vinh". Còn chia sẻ của người thân trong gia đình em thì em bị một dạng bạo hành về tinh thần dẫn tới những diễn biến tâm lý tiêu cực.
Tuy nhiên, dường như với nhiều nhà trường, chỉ khi có hiện tượng đánh nhau mới được nhà trường coi là bạo lực và quan tâm ngăn chặn.
Nạn nhân thường im lặng chịu đựng và cố gắng tự chữa lành
Từng là nạn nhân của bạo lực học đường ở trường lẫn không gian mạng, H.Đ (ngụ Q.7, TP.HCM) kể rằng khi học lớp 7, có lần cô vấp phải tranh cãi cùng những HS lớp khác và được hẹn giải quyết vấn đề trước cổng trường. "Tới điểm hẹn là một HS đã bị đình chỉ học. Lúc đầu, người đó bảo tôi ngồi xuống bồn cây để nói chuyện, nhưng sau đó liền đá chân vào mặt tôi, rồi lôi kéo giật tóc, chỉ khi bạn học xung quanh hô hào gọi công an tới mới bỏ chạy. Sau đó, người này lại tiếp tục chặn tôi lại trên đường về nhà, may mắn là có đàn anh đi ngang giúp đỡ", Đ. nói.
Đến khi lên lớp 10, Đ. cho hay cũng vì bất đồng quan điểm, một số bạn cùng lớp đã tạo nhóm chat trên mạng xã hội rồi thêm cô vào để buông nhiều lời chửi rủa. "Ảnh hưởng của việc bắt nạt không chỉ dừng lại ở hành động trong thời điểm đó mà để lại "sẹo" trong tôi cho đến tận hiện tại. Ở cả hai lần, nhà trường hay GV đều không biết đến vụ việc và tôi cũng không thể giải tỏa uất ức với họ", Đ. trải lòng.
Cũng theo Đ., thầy cô luôn là những người cuối cùng biết tin khi bạo lực học đường xảy ra.
Còn Huỳnh Lê Như An, lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho hay hồi cuối học kỳ 1 lớp 8 em từng chứng kiến một bạn cùng lớp bị cô lập, nói xấu... vì bất đồng quan điểm với nhóm bạn chơi chung. Theo nữ sinh, trường và GV khó lòng giải quyết những vụ việc bạo lực tinh thần vì không có nhiều biểu hiện ra bên ngoài như bạo lực thể chất. An cũng cho rằng bất kỳ HS nào cũng đều cảm thấy việc trình bày với GV là vô ích. "GV chỉ hỏi lý do dẫn đến bạo lực và yêu cầu các bạn hòa hợp lại với nhau, trong khi điều này là không thể. Không những vậy, điều đó còn khiến nạn nhân bị trả thù, hoặc phải chịu hành vi kích động hơn trước. Vì vậy, nạn nhân của bạo lực tinh thần thường im lặng chịu đựng và cố gắng tự chữa lành bản thân", An cho hay.
Ngọc Long
PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) chỉ ra rằng: Kết quả của một số nghiên cứu về hành vi bạo lực học đường tại VN đã cho thấy hành vi này trong HS chưa được chú ý và chưa được giải quyết có hiệu quả. GV là những người trực tiếp tiếp xúc với các em cũng chưa nhận thức đầy đủ về nguyên nhân và bản chất của hành vi bạo lực học đường của HS. Không ít người cho rằng hiện tượng HS xích mích, va chạm, đe dọa lẫn nhau là "chuyện trẻ con", các em có thể tự giải quyết, người lớn không cần quan tâm. Do đó, nhiều xích mích, va chạm nhỏ của các em không được giải quyết, tích lũy lại thành mâu thuẫn, xung đột lớn và trẻ giải quyết với nhau bằng bạo lực.
Theo PGS Thành Nam, khi nói đến bắt nạt, chúng ta thường hay nghĩ đến việc xâm hại thân thể mà thường không để tâm tới các hình thức bắt nạt tinh thần như tạo tin đồn, tẩy chay hay miệt thị… Thực tế, bắt nạt tinh thần để lại những hậu quả nghiêm trọng, có thể là những tổn thương tâm lý sâu sắc cho nạn nhân.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN, chia sẻ: Câu chuyện bạo lực học đường từ sự "ghẻ lạnh", "tẩy chay" vốn chẳng gây ra "máu chảy" hay bất cứ cái gì mà chúng ta nhìn thấy, để chúng ta gọi nó là bạo lực. Nhưng giờ đây, hầu hết chúng ta đã nhận ra, không phải chỉ là đánh nhau mới là bắt nạt. Cuộc sống này có những kiểu bắt nạt đáng sợ, mà người ta tạm gọi là "bạo lực trắng", "bạo hành lạnh", để ám chỉ sự bạo hành ép người ta vào sự bị cô lập, cảm thấy bị bỏ rơi trong chính cuộc đời này.