Sáng 23.10,ệtNamtiếptụclàđiểmsángkinhtếtoàncầbộ giáo dục và đào tạo tại phiên khai mạc kỳ họp 6 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn...
Điểm sáng của KT-XH trong 9 tháng năm nay là xu hướng phục hồi được tiếp tục, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu.
Ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, GDP quý 1/2023 tăng 3,32%, quý 2 tăng 4,14%, quý 3 tăng 5,33%, ước cả năm đạt trên 5%. Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra là khoảng 6,5%, nhưng là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực, thế giới.
Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75.000 tỉ đồng. Trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Đặc biệt, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỉ USD, tăng 1 bậc, lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới...
Báo cáo tháng 10 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP năm 2023 của toàn thế giới là 3%; của các nước đang phát triển và mới nổi là 4%; của Thái Lan là 2,7%, của Malaysia là 4%, của Singapore là 1%, của Trung Quốc là 5%… Quy mô GDP năm 2023 của Việt Nam ước đạt khoảng 435 tỉ USD, vào nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhiều bài học kinh nghiệm trong phát triển
Dù vậy, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài.
Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm.
Bên cạnh đó, tiếp cận tín dụng còn khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Các cơ chế, chính sách về đất đai, bất động sản, nhà ở, đầu tư công đang là điểm nghẽn. Các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn rủi ro; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, dự án tồn đọng còn lại gặp rất nhiều khó khăn; du lịch quốc tế phục hồi chậm. Việc triển khai một số nội dung thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn chậm…
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm, trong đó, lưu ý kinh nghiệm quan trọng là "phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm". Về mục tiêu cụ thể, nỗ lực trong những tháng cuối năm để tăng trưởng GDP đạt trên 5%, giữ lạm phát khoảng 3,5 - 4%.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng nêu: "Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, tết; tất cả các bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân".
Phát huy tinh thần dân chủ với từng nội dung của kỳ họp
Phát biểu khai mạc kỳ họp 6 sáng 23.10, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, trong 22 ngày làm việc của kỳ họp, QH sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Nhìn nhận về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ tịch QH đánh giá, năm qua đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả ở trong và ngoài nước. Do đó, cần đề xuất các giải pháp nhằm đạt được kết quả cao nhất của năm 2023; xem xét, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính, ngân sách năm 2024.
Tại kỳ họp lần này, QH sẽ tiến hành nhiều hoạt động giám sát tối cao quan trọng, trong đó có việc chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết và yêu cầu của QH đối với Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Đặc biệt, QH sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu, phê chuẩn. Theo Chủ tịch QH, đây là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của QH đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị mỗi đại biểu QH phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng người được lấy phiếu.
Nhấn mạnh khối lượng công việc của kỳ họp thứ 6 rất lớn, nhiều vấn đề khó, phức tạp, Chủ tịch QH cũng đề nghị các đại biểu QH thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò và trọng trách của người đại biểu nhân dân; phát huy tinh thần dân chủ đối với từng nội dung của kỳ họp.
Mục tiêu GDP năm 2024 đạt 6 - 6,5%
Với nhiệm vụ năm 2024, theo Thủ tướng, trong nước có những thuận lợi rất cơ bản, nhưng nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Chính phủ đặt ra 15 chỉ tiêu và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Theo đó, tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%... Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP.
Tập trung đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Đồng thời, thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km năm 2025.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia. Phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024. Tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên. Triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%.
Đồng thời, cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài, thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính "xoay chuyển" tình thế, "chuyển đổi" trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả. Triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém...
Làm rõ trách nhiệm chậm giải ngân
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế (UBKT) Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh nêu năm 2023 kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những "cơn gió ngược" từ hệ quả của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, giám sát, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng, KT-XH nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế phục hồi.
Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng 5%, mặc dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra khoảng 4,5%. Vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 6,8% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 700 tỉ USD, xuất siêu ước khoảng 15 tỉ USD; tiêu dùng tăng trưởng tích cực…
Tuy nhiên, báo cáo cũng đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn việc năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra (năm 2022 có 2/15 chỉ tiêu không đạt). Trong đó, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài.
UBKT cũng lưu ý một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Đơn cử thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp. 61% doanh nghiệp cho rằng, thời gian giải quyết thủ tục dài hơn quy định. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực...
Đặc biệt, nền kinh tế "khát" vốn, nhưng khó hấp thụ vốn. Mặc dù, mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9 chỉ tăng 6,92%. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu; chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với 135.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng. Tình trạng cắt điện mùa nắng nóng tái diễn tại một số địa phương miền Bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân...
Cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ năm trước nhưng còn 17 bộ, cơ quan T.Ư chỉ giải ngân dưới 10%; giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 46,77% kế hoạch. Đặc biệt, số giải ngân bao gồm các số chuyển nguồn từ năm trước sang 2023, số tăng thu bổ sung dự toán năm 2023 nên thực chất tỷ lệ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2023 thấp hơn mức Chính phủ báo cáo.
"Vấn đề chậm giải ngân cần phải được làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để sớm khắc phục. Có ý kiến cho rằng nguồn lực của Việt Nam bị dàn trải, chia nhỏ cho các cơ quan, địa phương dẫn đến có quá nhiều dự án quy mô nhỏ có thể bị trùng lặp về mục tiêu, chỉ phù hợp với quy mô doanh nghiệp nhỏ", ông Thanh nêu.
UBKT đánh giá nguyên nhân do công tác dự báo chưa sát, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách trong một số trường hợp còn bị động; hiệu quả chính sách có độ trễ. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; chậm phản ứng chính sách đối với các biến động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, với mục tiêu 2024, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
Dịch đã qua nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa giải ngân hết
Trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh cho biết tính đến hết tháng 9, giải ngân các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt khoảng 96.400 tỉ đồng (61% tổng kinh phí).
Việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình còn chậm, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn thấp; tính đến hết tháng 8 chỉ đạt 50.700 tỉ đồng, tương đương 28,9% kế hoạch vốn được giao, khó giải ngân hết trong năm 2023. Tương tự, số tiền hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại chỉ đạt 781 tỉ đồng (trong tổng số tối đa 40.000 tỉ đồng), tương đương 1,95% gói hỗ trợ…
Đa số ý kiến cũng thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đến hết năm 2024 (thay vì hết năm 2023). Tuy vậy, có ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm vì chậm trình tại kỳ họp thứ 5, trong khi nhiều dự án đã bộc lộ khả năng không thể hoàn thành năm 2023. Thời điểm báo cáo như hiện nay là rất chậm, ảnh hưởng đến việc quyết định tiếp tục hoặc không tiếp tục triển khai của nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022.
Đảm bảo ngân sách thực hiện cải cách tiền lương từ 1.7.2024
Chiều 23.10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo ngân sách nhà nước 2023 và dự toán, phân bổ ngân sách năm 2024. Theo đó, Chính phủ đề nghị QH quyết định lộ trình thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1.7.2024; đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Chính phủ cũng đề nghị QH quyết định việc thu chuyển nguồn cải cách tiền lương năm trước của các địa phương còn dư sang bố trí dự toán chi cân đối ngân sách địa phương năm 2024 để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Chính phủ đề nghị QH xem xét quyết định tiếp tục thực hiện mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Phớc cho hay đến hết năm 2022, tổng nguồn ngân sách T.Ư dành để thực hiện cải cách tiền lương khoảng 132.000 tỉ đồng; nguồn tích lũy của ngân sách địa phương khoảng trên 430.000 tỉ đồng. Tổng cộng là 562.000 tỉ đồng. Với dự kiến thu - chi ngân sách và sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách T.Ư và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của T.Ư từ ngày 1.7.2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Lê Quang Mạnh nói cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với Chính phủ về thực hiện cải cách tiền lương. Song, để đảm bảo triển khai chính sách dài hạn, cần đánh giá, so sánh tổng thể chính sách cải cách tiền lương, cân đối nguồn lực để thực hiện trong giai đoạn 2024 - 2026 và dự báo tới 2030, đảm bảo tính khả thi lâu dài theo lộ trình Nghị quyết 27.